TỎI NGÂM TƯƠNG TAMARI – VỊ THUỐC CẦN CHO MỖI NHÀ

11008637_1597408637165631_4837117689764495040_n
Mỗi năm nếu gia đình bạn có 4 người thì chỉ cần làm khoảng 5kg tỏi, với khoảng 5 lít tương tamari thì nhà bạn đã có thực phẩm chức năng cao cấp, rất rẻ tiền và công hiệu vô cùng. Nhà có người già và có con nhỏ càng nên làm. Có thể bạn cũng cần chờ 3 năm mới mê món này, như mình.
Tương tamari -tỏi, hay còn gọi là tỏi tamari, tamari tỏi, đặc biệt dành cho:
– Người có vấn đề tim mạch
– Người bệnh gan
– Máu nhiễm mỡ
– Người già
– Trẻ em biếng ăn hay người lớn ăn uống tiêu hóa kém
– Dùng trợ phương thải độc
– Người vận động nhiều
– Người có hệ tiêu hóa kém

CHUẨN BỊ
– Tỏi ta, tỏi cô đơn, tỏi Lý Sơn, tỏi Bắc hay tỏi Trung, tỏi Nam, tỏi miền nào cũng được, miễn là tỏi trồng tự nhiên không phân hóa học và đặc biệt không bị phun xịt thuốc chống mọt, tóp sau thu hoạch (Mùa này – tháng 5-6 rồi thì chớ ăn tỏi hành ngoài chợ, họ đều phun thuốc bảo quản hết, kể cả bồ kết).
– Tương tamari mua từ các cửa hàng dưỡng sinh, nhớ chọn tương đủ tuổi, được làm từ đậu tương ta, lên men chuẩn.
– Hũ thủy tinh được khử sạch, hong thật khô
– Miếng vỉ ép để chèn tỏi phía trên cho ngập tương
– Giấy, bút ghi nhãn
CÁCH LÀM:
– Kinh nghiệm cá nhân của mình là ngâm tỏi vài giờ cho vỏ tỏi mềm, bóc dễ hơn và đỡ rát tay hơn nhiều. Đặc trưng tỏi ta là vỏ mỏng, dai, nên không có thể cho vào hũ “lắc 180 độ” để bóc vỏ tỏi như quảng cáo được. Mình chỉ thấy ngâm nước là giải pháp 3 năm nay mình áp dụng có hiệu quả nhất
– Sau khi bóc tỏi sạch sẽ, rửa tỏi vài lần rồi rửa qua nước muối loãng
– Hong tỏi thật là khô, mình thường rải tỏi ra dần sàng rổ mẹt, hong trong nhà 1 ngày. Tép tỏi phải đảm bảo khô không còn dính tí nước nào.
CÁCH NGÂM TƯƠNG TỎI:
Có hai phiên bản
1- Muốn ăn sau 1 hoặc 2 năm thì làm TỎI XAY NGÂM TƯƠNG
Đem tỏi cùng tương cho vào máy sinh tố xay nát. Trước đó phải khử trùng máy sinh tố cho thật sạch và thật khô.
Trút hết tỏi xay đó vào hũ, đậy kín, cẩn thận bịt hết nắp bên ngoài, ghi nhãn ngày tháng, đem ra nắng hong. Thi thoảng đem khuấy tương 1 lần cho đều.
2- TỎI NGUYÊN TÉP NGÂM TƯƠNG
Cách này phải đủ 3 năm mới nên dùng. Khi ấy tép tỏi hút ngập tương, mùi vị hết nồng. Lúc đó tương cũng hao hụt đi nhiều, tương 6 tuổi, tỏi 3 tuổi, thì dùng mới công hiệu cao. Còn chờ được, cứ để ngâm 7 năm, 10 năm, chừng nào tỏi hút hết tương, tỏi đó rất vi diệu, vi diệu, cực kì vi diệu.
Cho tép tỏi khô vào hũ thủy tinh/khạp sạch sạch, đổ tương, dùng vỉ nén cho tỏi ngập tương, đậy nắp kín, hong nắng.
Mình thường chăm tương bằng cách lâu lâu đảo tương, cho tương nghe nhạc niệm Phật.
Ghi nhãn ngày tháng để phân biệt độ tuổi của tương tỏi.
p/s: LÀM SAO ĐỂ KIÊN NHẪN BÓC TỎI?
Chắc mỗi người có một cách, mình có cách riêng của mình là khi rang trà, làm thuốc, bóc tỏi, thái nghệ, khìa miso, rây bột cám….túm lại là việc gì cần tỉ mỉ, kiên nhẫn và nhiều thời gian, làm việc tay chân không cần tới não bộ suy nghĩ thì mình đem theo máy nghe pháp bên cạnh. Mình vừa làm việc tay chân vừa nghe pháp. Tai nghe pháp, tay bóc tỏi, mỗi bài giảng khoảng 2h đồng hồ thì đứng dậy đi lòng vòng chơi rồi lại làm tiếp.
Cháu mình mỗi lần đóng đồ giúp, chúng bật nhạc bên cạnh nghe.
Mỗi người có một cách, miễn là phương tiện nhất, sao cho không thấy ngán khi làm những việc cứ lặp đi lặp lại này.
Mình thì có khả năng ngồi từ sáng tới tối để làm 1 việc tay chân, miễn có máy nghe pháp bên cạnh 😀
Hình ảnh là hũ tương tỏi mình ngâm tặng cho 1 trong những bạn ăn thực dưỡng còn đang độc thân, “quà cưới tặng sớm” cho bạn mình.

Hình ảnh và bài viết: Tịnh Duyên
TỰ NHIÊN SHARE NẾU THẤY HỮU ÍCH CHO BẠN
VUI LÒNG ĐỌC KĨ ĐỂ KHÔNG NÊU CÂU HỎI THỪA.

TÁC DỤNG MÊ HỒN CỦA BỘT SẮN DÂY NẤU CHÍN

(Tiêu đề bài viết của chú Tuệ Cường – thầy thuốc Đông y kinh nghiệm nhiều năm chia sẻ)
Các bạn đọc chậm và đọc thật kỹ bài chú viết nhé. Thầy Tuệ Hải từng chia sẻ chính thầy đã thực nghiệm việc thải độc bằng sắn dây cho cả người bị chất độc màu da cam và kết quả rất tốt. Đặc biệt, sắn dây thải được cả độc tố của kim loại nặng.
Tịnh Duyên mới ăn thực dưỡng được 2 năm, sự trải nghiệm với sắn dây còn rất ít. Hôm nay đọc thêm được bài về sự thải độc của sắn dây mà chú Tuệ Cường làm suốt 35 năm qua thì rất cảm động, càng thêm an tâm và khuyến khích người nhà dùng sắn dây hàng ngày để có sức khỏe tốt.
____________________________
Đây là chia sẻ của chú Tuệ Cường:

Một bài thuốc có tác dụng tuyệt hảo trên nhiều phương diện khác nhau mà vô cùng đơn giản, dễ thực hiện. ĐẶC BIỆT là những người cảm thương hàn, cảm đã ngấm sâu vào xương tuỷ lâu ngày, đường ruột kém, đi phân lỏng, đau bụng dưới kèm hòn cục nổi lên.Tất cả CÁC BÊNH UNG THƯ, U BƯỚU, đau đầu …vv.và vv đều được cải thiện rất nhanh chóng, từ trẻ nhỏ đến người già đều dùng được cả mà không có bất kỳ một phản ứng phụ nào cả.
Cách làm rất đơn giản như sau
BỘT SẮN DÂY THỨ THIỆT, một đốt tay gừng nướng cháy thái nhỏ cho vào cùng bột sắn dây đã nấu chín trong bắc ra cho thêm TA-MA-RI vào nếm cho vừa ăn. Chưa có tamari thì cho chút muối rang thật kỹ cho lọ ăn dần hoặc quả mơ muối từ 3-5 năm trở lên thay muối.
ĂN NÓNG ngày 2 lần và phải KIÊNG GIÓ 1-2 giờ, tốt nhất ăn xong lên giường trùm chăn đi ngủ cho mồ hôi vã ra rồi thay quần áo, không để mồ hôi ngấm ngược vào trong. Ai bị nặng hơn các bạn làm thêm: trà bancha (là lá trà xanh già 3 năm chế biến thành trà bancha) mua cửa hàng dưỡng sinh. Trà này CỰC DƯƠNG, an thần giúp ngủ sâu giấc, có thể đun uống thay nước hàng ngày rất tốt. Lấy nước trà này để khuấy bột sắn, thêm mấy miếng củ sen khô cũng rất dương cho vào nấu lẫn. Thủ tục cũng như trên là có gừng nướng, tamari cho vào nhé
Đây là bài thuốc rất vô cùng hay tôi (Tuệ Cường) đã áp dụng 35 năm thành công cho tất cả các loại bệnh. Về khoa học ta tạm hiểu đây là món ăn rất dương, tính KIỀM RẤT CAO ăn vào nó sẽ đẩy hết âm khí ra ngoài, cân bằng cơ thể cân bằng máu không bị chua về kiềm rất nhanh. Ăn liền 5 ngày, nghỉ 3-5 ngày lại ăn tiếp. ĂN SAU 6 tháng là không bao giờ bị ốm vặt nữa, bệnh cảm cúm liên miên, gặp gió lạnh là cảm ngay cũng được chữa khỏi tận gốc luôn sau 6 tháng là thay đổi khí và máu của bạn.
Ăn sau 3-5 năm là thay đổ được tế bào gốc trong bạn, xương, tuỷ được thay đổi hoàn toàn, tính tình cũng điềm đạm hơn đấy ạ.
NHỮNG NGƯỜI huyết áp cao, táo bón, tai biến mạch máu não, cơ thể đang nhiệt, nóng bốc lên thì không được nướng gừng mà cho gừng tươi 1 đốt tay thôi ạ.
Các thứ như TAMARI, TRÀ BANCHA, CỦ SEN KHÔ CÁC BẠN ĐẾN CỬA HÀNG DƯỠNG SINH MUA.
Tamari là loại nước chấm làm từ đỗ tương, gao, muối để 3-5 năm mới dùng được, nó chuyển sang mầu đen là rất dương và rất kiềm ạ ( xin đọc bài TÁC DỤNG CỦA TAMARI)
Các bạn có thể thực hiện rất dễ dàng, thấy tốt xin cho nhận xét để giúp mọi người cùng khoẻ mạnh. Chân thành cảm ơn mọi người đã đọc và thực hiện.
Đây là Fb chú Tuệ Cường:
https://www.facebook.com/profile.php?id=100009266349948&fref=ts

*****Tịnh Duyên chỉ chỉnh sửa lại chính tả, dấu chấm phẩy, khoảng cách để bạn đọc thuận mắt hơn. Không chỉnh sửa văn phong.
Còn đây là bài TRÀ THẢI ĐỘC mà Tịnh Duyên cùng người nhà đã trải nghiệm.

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1696303373942823&set=a.1696481037258390&type=3

 

993565_1689867754586385_6365776651337448548_n

p/s: Hình sắn dây nhà Tịnh Duyên làm từ sắn dây nhà trồng, chị cả tự tay chế biến, sắn dây được lọc rất kĩ, dùng nước giếng ngầm mát ngọt và sấy bằng máy sấy trong phòng kín để tránh bụi. Vì sau một thời giao mùa, cả nhà Tịnh Duyên đổ bệnh cảm cúm, mệt mỏi. Tịnh Duyên đã nấu trà sắn dây cho mọi người giải cảm và giờ thì mỗi nhà chị em mình đều tự động biết cất sắn dây để dành như cất lúa vậy grin emoticon. Mỗi nhà dành 20kg sắn dây để ăn hàng ngày, ngày một người chỉ cần 1 thìa sắn dây cho 1 bát trà là tha hồ cuốc đất nhổ cỏ làm vườn grin emoticon
CỨ TỰ NHIÊN SHARE VÀ COPY NẾU BẠN THẤY BỔ ÍCH!

 

BÍ QUYẾT NẤU CƠM NGON VỚI NỒI GANG ĐÚC

12191398_1645518125688015_259721425836952076_n

Cơm cháy nồi gang

Gạo lứt tùy loại và tùy ý mỗi người mà có thể ngâm trước khi nấu, nhưng không quá 8 tiếng đồng hồ.

LƯU Ý TRƯỚC KHI NẤU

–        Khi ngâm, cần rửa sạch gạo, rồi lấy nước sạch để ngâm gạo. Lúc nấu cơm thì trút luôn tô gạo ngâm đó vào nồi nấu, không bỏ nước ngâm gạo.

–        Mực nước hợp lý nhất: Thông thường đo mực nước bằng 1 lóng tay tính từ mặt gạo. Nhưng cũng tùy thuộc vào từng loại gạo và loại nồi, sở thích cá nhân của mỗi người (ăn khô, dẻo, nát) mà mực nước có chênh lệch. Nấu 1-2 lần sẽ có kinh nghiệm căn chỉnh nước đúng ý.

CÁCH NẤU

–        Lần 1: Bật bếp nấu lửa to bình thường, khi nồi cơm sôi, tắt bếp, để 20 phút

–        Sau 20 phút, bạn mở nồi cơm lứt sẽ thấy hạt gạo ngấm đầy nước. Lúc này bạn ĐIỀU CHỈNH MỰC NƯỚC là chuẩn nhất.

  • Nếu thấy nước lúc này xâm xấp mặt gạo thì được.
  • Nếu thấy nước cạn hơn so với mặt gạo thì nên đổ thêm nước cho vừa xấp ngang với gạo
  • Nếu thấy nước nhiều hơn thì hãy chắt bớt nước ra

–        Nấu lần 2: Sau khi điều chỉnh mực nước, bạn bật bếp, để lửa nhỏ nhất trong 1 giờ đồng hồ rồi tắt bếp và xới cơm ra ăn. Có thể dùng 1 chiếc khăn ẩm đậy lên nắp nồi khi bật bếp lần 2, giúp cơm chín mau và ngon.

Muốn có cháy thì để già thời gian

Muốn cháy dóc thì khi tắt bếp, bắc nồi cơm đặt lên 1 cái khăn ẩm chừng 5 phút

Lưu ý thêm: Đối với kích thước mỗi loại nồi to nhỏ thì thời gian điều chỉnh có khác nhau, lấy mức 1h đồng hồ để chỉnh. Đối với nồi 40, Tịnh Duyên nấu cơm trong 1h thì chưa có lớp cháy dưới đáy nồi. Nhưng nếu nấu nồi 10, để 1h đồng hồ thì nồi cơm có 1 lớp cháy mỏng. Bạn thích ăn cháy cơm thì tùy theo kích thước nồi mà điều chỉnh thêm thời gian. Thực hành vài lần là có kinh nghiệm ngay.

Người viết, hình chụp, sản phẩm thật được chia sẻ bởi Tịnh Duyên

FB: Tịnh Duyên 

 

CHIA SẺ PHƯƠNG PHÁP HÓA GIẢI VIÊM HỌNG AMIDAN MÃN TÍNH -PHẦN II

1780294_1425061897733640_1680373525_o

LINK PHẦN I:

https://tinhduyen.wordpress.com/2015/11/19/chia-se-phuong-phap-hoa-giai-viem-hong-amidan-man-tinh-phan-i/

 

PHẦN II:

Tháng Mười năm 2005, mình rời quê một mình vào Sài Gòn. Không gia đình, không có bất kì một người thân dù là họ hàng xa ở trong ấy. Chính vì mang một thân thể không khỏe mạnh, lại sống một mình nên 11 năm ở Sài Gòn là 4015 ngày mẹ mình luôn mang tâm trạng bất an….

Nhưng có đâu ngờ…

Sài Gòn quanh năm nắng ấm. Mình từng nhiều lần sung sướng khi nghĩ về Sài Gòn, Sài Gòn là thiên đường cho một dễ bị dị ứng thời tiết lạnh như mình.

Ở Sài Gòn, mình không bị viêm amidan thường xuyên như cơm bữa nữa, chẳng có bí quyết gì, chỉ là do mình luôn “biết thân phận”. Nhờ “biết thân phận” mà mình đã duy trì được một sức khỏe dẻo dẻo dai dai mà có lúc tự ví mình như “trâu bò” vì suốt năm tháng ở Sài Gòn mình luôn làm 1 lúc 2-3 việc. Mình không uống nước đá lạnh, không tự nhiên đưa thân vào chỗ có máy lạnh để “thụ hưởng”, không ăn đồ cay nóng, luôn súc miệng nước muối theo thói quen mẹ dặn. Mỗi khi trở trời, mình lại dùng vài mẹo để phòng bệnh. Vì mình rất sợ kháng sinh, sợ đến “chết khiếp” nên bằng mọi cách không để cơ thể ốm.  Lúc ở nhà với bố mẹ, ốm bệnh có thể mè nheo chờ mẹ nấu cháo. Còn ở một mình, ốm bệnh phải nhớ lời bố dặn, cố ăn thêm một bát cơm để lấy sức. Con nhà nghèo luôn biết thân biết phận là thế đấy.

Mỗi năm mình cũng có vài bữa đau đầu, sổ mũi. Có lúc do tính chất công việc thì cũng ráng uống 1-2 bữa thuốc vài ngàn thôi. Có lúc lì lợm không uống thì vài hôm bệnh cảm sổ mũi cũng tự hết.

Nhưng bạn biết đấy, tuổi trẻ khá buông tuồng. Mình không kiêng cữ triệt để. Sài Gòn lại quá nhiều món ngon, quá nhiều sức hấp dẫn từ đồ ăn tới thức uống. Cũng có lúc nắng nóng quá, hoặc đi với bạn bè, hoặc thế này thế kia, mình cũng dính nước đá. Uống hôm trước, sáng hôm sau “biết nhau liền”. Amidan sưng tấy, có mủ tức thì. Đàm mắc ở cổ họng, rất khó chịu. Hoặc lúc nào ăn trái cây nhiều, cổ họng cũng xuất hiện đàm và amidan sinh ra vài cục mủ.

Amidan rất nhạy với nước lạnh, với không khí lạnh, kể cả đồ ngọt. Nếu ngày nào đi học mà dầm mưa thì nó cũng sưng mủ ngay. Đây là dấu hiệu báo cho cơ thể mình biết mình đang bị bệnh, cần chăm sóc, cần lưu ý…. Nhưng lúc ấy tuổi trẻ ham làm, chẳng quan tâm. Cứ thấy có hốc mủ thì đi sục nước muối. Nếu họng rát quá, sưng to quá thì cũng dằn vài viên thuốc cho bớt sưng là ngừng. Amidan hết sưng thì đắc ý, cảm giác như đời lại tươi sáng.

Hệ tiêu hóa của mình khá hơn khi mình chuyển từ ăn mặn sang ăn chay ở những năm 20 tuổi. Amidan cũng khá lên từ từ sau những năm chuyển sang chế độ ăn chay. Không ăn thịt, ăn cá nên amidan khá an ổn, an ổn suốt thời gian dài từ lúc còn sinh viên tới trước khi chuyển sang ăn chay thực dưỡng. Nhưng còn ăn trái cây nhiệt tình thì amidan còn hành hạ ít nhiều.

Các bạn biết là amidan của mình không giống như của người bình thường vì nó rất to, mình có cảm giác nó chắn hết cả đường thức ăn đi từ khoang miệng vào. Mỗi lần nuốt nước bọt mình luôn có cảm giác vướng vướng. Mình còn hay làm động tác “chơi nhạc” trong cuống họng với hai cục amidan nữa. Có lần bác sĩ ở bệnh viện 175 khám cho mình còn bị lầm khi thấy mình nuốt nước miếng có dấu hiệu của tuyến giáp. Nhưng sau khi soi ra thì vấn đề là hai cục amidan to quá khổ.

Khi chuyển sang chế độ chay thực dưỡng, mình cũng không để ý kĩ việc amidan lành lặn từ khi nào. Bởi vì mục đích ban đầu chuyển sang ăn thực dưỡng  của mình là phòng bệnh, là chữa mấy cái bệnh khác của mình: thoái hóa nhẹ đốt sống cổ, huyết áp thấp, thiếu máu, thân nhiệt, gan yếu, mắt yếu, suy nhược cơ thể… Nói chung cả trùm bệnh trong người. Mình hầu như “bỏ quên” hai cục amidan.

Một ngày nọ, mình soi gương khi đi chà răng. Mình há miệng xăm soi amidan của mình thì thấy chúng lành lặn chẳng có “ổ gà” nào nữa. Amidan “mặt rỗ” biến mất. Hình tướng hai cục amidan thu nhỏ lại, nhìn rất bình thường như của mọi người. Amidan “hoa khôi” đã xuất hiện, rất nhỏ và mịn màng.

Amidan thu nhỏ lại nhìn cũng không đến nỗi sợ. Thế mà có nhiều người tự nhiên đè amidan cho bác sĩ cắt phăng đi. Biết đâu rằng hai cái cục này nó bảo vệ cơ thể mình tốt nhất, kiểu như hai thần bảo hộ vậy.

Từ lần đó mình, có vài lần thử nghiệm để xem amidan của mình lành thế nào.

Nếu ngày nắng nóng mình uống tí nước đá thì hôm sau cổ có đàm nhẹ, nhưng không có mủ từ hai cục amidan. Nếu mình một vài loại trái cây thì đàm vẫn sinh, nhưng amidan không sinh cục mủ. Song, ăn nhãn, vải, mít…túm lại là trái cây ngọt thì coi chừng, không chỉ mắt nổi ghèn, đàm sinh và cũng sẽ có mủ từ amidan.

Mình soi lại quá trình mình ăn uống kĩ lưỡng, tự rút ra kinh nghiệm để lành amidan hốc mủ. Đầu tiên là VỆ SINH RĂNG MIỆNG:

  • Vệ sinh răng miệng bằng bột dentie chữa bệnh hàng ngày, vừa hết các bệnh viêm chân lợi, chân răng, vừa vệ sinh cuống họng. Mình dùng bột dentie chà răng liên tục gần được 2 năm rồi. Tất cả các dấu hiệu hồi xưa mình hay gặp như: chảy máu chân răng, sưng chân răng, cảm giác răng bị lung lay, ê buốt răng…đã hết sạch.
  • Nhai dầu mè mỗi ngày. Nếu bạn chưa duy trì nhai dầu mè hàng ngày, lúc nào đau họng, chỉ cần nhai 1 thìa cà phê dầu mè nguyên chất. Nhai 30 phút hoặc nhai 300 lần rồi nuốt. Cách nhai này còn giúp bớt đau đầu nữa.
  • Luôn uống trà ấm, dù bất kể trà nào cũng uống lúc ấm nóng. Ai làm việc máy lạnh thì lưu ý điều này. Trước khi về làm nông, mình là dân văn phòng. Cách để giữ ấm cơ thể của mình là luôn vác một bình ủ nhiệt có sẵn trà nóng phục vụ cơ thể bất kì lúc nào.
  • Nhai một miếng cau khô/tươi sau khi chà răng xong vào buổi tối để vệ sinh các ngóc ngách chân răng và lưỡi mà bàn chải không lùa tới được. Cách này mình làm từ 2013 khi chưa ăn thực dưỡng. Ở Sài Gòn ra chợ Bình Tây mua 4 quả cau hết 10 ngàn, về nhà bổ 8, phơi khô, để lọ kín, dùng trong 1 tháng. Còn ở nhà mình ra cây cau “xin cây” quả tươi ăn luôn.
  • Luôn sẵn chai nước muối loãng súc miệng bất cứ khi nào. Thói quen này mẹ mình tập cho mình từ khi học lớp 3. Hoặc có trà bancha, dùng nước trà cho thêm vài hạt muối, súc miệng cực tốt
  • Không dùng bất kì thức uống đóng chai, có ga (do mình tiêu hóa kém nên tự nhiên không hề đụng những thứ này từ ngày nhỏ, vì chỉ cần uống 1 ngụm là bị trào ngược lên cổ họng khiến cả ngày khó chịu)
  • Luôn ý thức giữ ấm vùng ngực, cổ và chân khi đi ra ngoài đường, khi có gió lạnh. Mình lưu ý vùng cổ kĩ lắm, vì mình không thích mặc áo xẻ cổ rộng, một phần vì lúc đi đường, gió táp vào cổ, về nhà “mới biết nhau”; một phần vì tiền sử lúc nhỏ bị hen suyễn, mình rất lưu tâm tới lá phổi của mình. Nói chung lựa nhau sống để cho thân thể hài hòa.

 

Để amdidan lành lặn, trơn láng, mình nghĩ các bước vệ sinh, giữ gìn họng ở phía trên chỉ là trợ phương, trong đó nhai dầu mè nhiều ngày liên tục là thấy tuyệt vời nhất.

Yếu tố để amidan không sinh mủ, sinh độc thì việc ăn uống quân bình để thải độc, thanh lọc cơ thể, giúp cơ thể phục hồi trong từng tế bào mới là điều cốt yếu.

Một khi vẫn ăn thịt, nạp chất tanh, trái cây ăn thoải mái thì mình e để giảm sưng amidan hốc mủ bằng trợ phương thì được, còn làm lành lặn thì khó lắm. Vì amidan sẽ liên tục đào thải ra cục mủ nếu cơ thể nạp độc vào.

Mình thực hành được chế độ chay thực dưỡng chưa được 2 năm, tháng 1 năm 2015 mới tròn 2 năm, nhưng sau 3 tháng ăn trường kì gạo lứt – chút rau củ, đa phần là món rau củ hấp trộn hạt, mình đã giải quyết được các bệnh:

  • Huyết áp thấp (tới tận bây giờ, mình chưa bị tái lại hiện tượng xây xẩm do tụt huyết áp. HA mình đã dần ổn định)
  • Gan: mình đã hết bị thân nhiệt, nóng trong, gan khỏe lên, kéo theo tiêu hóa cũng tốt lên tới 70% so với thời kì ăn chay trước đó. Cái này nhìn cục phân đi ị mỗi sáng là rõ nhất (heeee)
  • Mắt: mỗi ngày mình vẫn nhỏ dầu mè, mắt khỏe nhiều lắm, nên mình rất thích món dầu mè

Hiện nay thì mình đã gầy đi 7kg so với thời kì ăn chay thường, người nhẹ nhẹ, đi lẹ lẹ. Làm việc khá khỏe.

Amidan của mình trở lại bình thường

Mình cũng trở lại con người bình thường

Ai bị amidan như mình, dentie và dầu mè để sẵn trong túi đi nhé!

Người viết: Tịnh Duyên

 

CÁCH NẤU KEM CHÁO TỪ GẠO LỨT

 

(Kinh nghiệm Tịnh Duyên ghi lại từ cô Đan Tâm và từ thực tế thực hành của bản thân)

Gạo lứt sạch, nhặt sạch sạn, trải gạo ra mâm, dùng 1 cái khăn khô, thấm gạo sạch – đây gọi là cách rửa gạo khô.

 

11949540_1629201153986379_2612983910082787721_n

(Chọn gạo lứt đỏ hay gạo lứt trắng, lứt ruộng hay lứt nương tùy thích, miễn đảm bảo nguồn gạo sạch được trồng không phân hóa học và thuốc trừ sâu)

Bắc chảo dày lên bếp, chờ chảo nóng, cho gạo vào rang, rang khi nào gạo vừa lên màu vàng nhạt là được.

Sau đó cho gạo và nước vào nồi 1 lần.

Tỉ lệ: 1 bát gạo gạt ngang miệng – 1—12 bát nước: tùy thuộc vào từng loại gạo. Đối với gạo phơi già nắng, thì tỉ lệ 1 gạo – 12 nước hoặc 13, 14 nước

Nên chọn nồi rộng để nấu, tránh bị trào trong quá trình nấu

Khi nồi cháo sôi, hạ lửa nhỏ nhất để sôi liu riu liên tục trong 3h đồng hồ hoặc hơn nếu bạn nhiều thời gian

Trong quá trình nấu không mở vung, cho nên có thể dùng nồi có vung thủy tinh để dễ quan sát.

Sau 3 h hoặc có thể hơn, tùy thích, nấu càng kĩ thì cháo càng ngon, vỏ lứt sẽ phát huy tối đa dưỡng chất từ vỏ cám

Nấu xong, tắt bếp, dùng thìa gỗ khuấy vòng tròn quanh nồi

 

kem chao 2

Chờ cháo nguội bớt, dùng từng ít cháo cho vào túi vải, dùng thìa gỗ hoặc tay bóp, miết cho kem cháo trôi ra, khi nào vỏ cháo còn xác khô là được. Quá trình làm này mất khoảng 1h đồng hồ, nên làm nhẹ nhàng, từ tốn để không bị mỏi tay và sinh cảm giác ngán ngẩm.

Sau khi kem cháo lấy ra, bắc nồi kem cháo lên bếp, đun lại, rồi để nguội cất ngăn mát ăn trong 1 tuần. Khi ăn phải nấu sôi nóng lại.

Ăn nhạt để cơ thể sinh tinh, nhất là đối với người ốm, người gầy nên ăn nhạt cho da dẻ bớt khô. Món kem cháo này hợp với cả người ăn đang ăn số 7 thuần gạo lứt – muối mè. Có thể ăn kem cháo kèm tamari, tekka, muối. Khi ăn cũng phải nhai chừng 20-30 lần 1 miếng để kích thích enzym hoạt động.

Riêng bã cháo, có thể trộn cùng bột, hạt để rán bánh ăn, làm cơm cháy chà bông, cơm cháy chiên giòn.

 

Người viết: Tịnh Duyên

 

 

CHIA SẺ PHƯƠNG PHÁP HÓA GIẢI VIÊM HỌNG AMIDAN MÃN TÍNH -PHẦN I

LINK PHẦN II:

https://tinhduyen.wordpress.com/2015/12/05/cach-hoa-giai-viem-hong-nho-thuc-duong/

PHẦN 1: LỤC LẠI HỒ SƠ BỆNH TẬT

[Mình viết chi tiết để mọi người thật rõ, mình là một người có nhiều bệnh nhỏ. Sức khỏe hao hụt là từ những cái bệnh nhỏ nhỏ này mà ra.]

 

1780294_1425061897733640_1680373525_o

Mình là một đứa trẻ ốm yếu ngay từ lúc bé thơ.

Ngày còn bé chưa đầy 2 tuổi, trong đợt lên sởi, chị Giang ở nhà trông em không biết lại cõng mình ra sân đình chơi. Trúng gió, bệnh sởi biến chứng chạy vào mắt. Nếu không có một bác sĩ tên Hải – thì mình đã mù từ hồi đấy. Từ đó đến giờ, mỗi lần ngồi nhổ tóc sâu cho mẹ, mẹ vẫn nhắc về vị ân nhân đã cứu đôi mắt của mình một cách hoàn hảo. Thế là, 2 tuổi – mình đã đụng dao kéo mổ xẻ.

Lớn thêm một chút xíu nữa, mình bị hen suyễn. Đây là quãng thời gian mình nếm mùi khổ cực của kháng sinh và vẫn còn giữ mãi kí ức đến bây giờ. Khi cơn hen lên, không thở được, mẹ phải tìm đủ cách để giúp. Cứ ai mách lá gì, cây nào uống đỡ là mẹ đi tìm. Nhiều lần cơn hen lên ban đêm, mẹ phải chạy ra bờ rào hái ngọn cỏ hôi về giã ra rồi vật ngửa mình ra kẹp chặt bằng đùi, mặc cho mình khóc lu loa, mẹ bắt uống cho hết bát thuốc mới thả ra.

Kí ức tháng ngày bé thơ của mình hồi đó là phải uống những viên thuốc kháng sinh màu vàng cực kì đắng, đắng nghét. Những viên thuốc kí sinh ấy mua theo lọ chứ không đựng trong vỉ bạc như bây giờ. Mỗi lần uống thuốc là mỗi lần mình bần thần cả người. Trẻ con không thích vị đắng. Thuốc này cực kì đắng. Mỗi lần uống xong mình phải cho thìa đường vào miệng. Cho nên, lúc nào mà mẹ không ở bên, mình lén đổ thuốc đi dưới gốc cây quất sau hồi nhà. Nhưng mẹ đều biết.

Kỉ niệm thời 3-4 tuổi của mình là những buổi “ngồi thiền” bên viên thuốc, bên cốc nước. Mình nhìn viên thuốc, nhìn sang cốc nước, cứ ngồi lặng yên đó. Mặc cho mẹ hết chăn lợn, chăn gà, đi qua đi lại giục uống. Mỗi lần uống 1 viên thuốc hết đúng 30 phút. Và dù là 1 viên thuốc nhỏ mình cũng phải tu 1 cốc nước to.

Mình sợ thuốc từ lúc còn bé tí như thế.

Và mình phải dùng kháng sinh từ lúc còn bé tí như thế.

Cho đến khi vào lớp 1, cũng chẳng còn nhớ mẹ cho mình ăn cái gì mà bệnh hen suyễn của mình hết hẳn. Vì mẹ nghe người ta bảo nếu không chữa được thì sau 6 tuổi nó sẽ thành mãn tính, theo mình đến hết đời. Một bà mẹ thương con cứ ai mách thuốc gì là mẹ tất tả đi tìm, đi mua, về ép mình uống. Chỉ còn nhớ những năm tháng mình khỏe hơn không bị ho hen hành hạ, mẹ ngâm cơm rượu nếp – chuối tây chín – trứng gà, để ngấm 1 năm rồi cho mình ăn mỗi ngày 1 bát.

Mình hết bệnh hen suyễn nhưng sau này mình vẫn dị ứng đặc biệt những mùi: xăng dầu, thuốc lá, thuốc tẩy sàn, khói than. (Thực ra với mình, mùi cục cứt còn dễ ngửi hơn mấy mùi này, kkkk). Chỉ cần ngửi mùi mấy thứ đó là mình ngộ độc, không thở được, đau đầu quay cuồng, một dạng như ngộ độc không khí vậy. Nếu đứng bên bếp than chừng 5 phút là chắc chắn mai có đàm ở họng. Bên phổi nặng nề đau nhói.

Hết hen suyễn, thế là cuộc đời sau  tuổi lên 6 êm ái đi qua

Nhưng không được bao lâu…

Đó là một dịp khám tổng quát cho toàn bộ học sinh lớp 3, bác sĩ đã viết trong bệnh án của mình là viêm amida hốc mủ.

Mình còn nhớ mãi buổi chiều buồn bã ấy, mình đem sổ bệnh nhân về cho mẹ. Mẹ đọc xong, bắt mình há miệng thật to, mẹ cầm đèn soi vào. Rồi mẹ thở dài, lặng lẽ.

Mỗi năm, cứ tới đợt giao mùa là mình sốt, chuẩn bị sốt là có triệu chứng đau họng, đau họng vài hôm là bốc sốt. Cả nhà bảo mình là cái máy dự báo thời tiết.

Lúc đó ngay đầu sống mũi, giữa hai chặn lông mày của mình nổi 1 đường gân xanh lè. Phần cổ tay ngửa lên cũng có gân xanh lè. Người ta chỉ cần nhìn vào là biết hệ hô hấp mình kém. Sau này khi cơ thể mình khỏe, những sợi gân đó biến mất.

Mẹ chỉ bảo mình amidan là cơ quan phòng bệnh tốt nhất cho cơ thể, nên không cắt. Hơn nữa, amidan của mình có hai chân nằm sâu bên trong của hai thành vách, không cắt được. Mẹ không nói việc đi cắt amidan nên nghiễm nhiên mình không bao giờ có ý nghĩ là phải cắt bỏ chúng đi. Đành sống chung vậy.

Amidan hốc mủ khiến mẹ mình trở thành bà mẹ vất vả. Mỗi năm mình sốt vài lần, mỗi lần sốt là kéo dài 7 ngày. Mình có thể đau họng bất cứ mùa nào, kéo theo sốt bất cứ lúc nào. Mủ trong họng buổi sáng khạc ra nhiều, có mùi hôi rình. Soi gương thấy amidan có những cái hốc như những cái ổ gà trên đường vậy.

Mình siêu nhạy cảm thời tiết, với nước đá, bụi đường, khói xe. Gió mùa mặc hơi phong phanh là mình sốt ngay.

Và từ 9 tuổi, để đối phó với những cơn sốt liên miên, viêm họng, mẹ cứ gọi y tá làng. Y tá làng tiêm kháng sinh, cho uống thuốc con nhộng, tới penicillin từ liều thấp tới liều cao.

Từ 9-18 tuổi, mỗi năm mình uống không biết bao nhiêu penicillin, đơn vị thuốc ở liều gấp đôi, gấp ba người thường.

Người mình không to béo, da luôn xanh xanh, hệ tiêu hóa cực kém. Mình nhớ mãi những tháng ngày cách đây 15 năm, mình học lớp 9. Nhiều ngày liên tục mình không ăn cơm, chỉ ăn mì luộc với rau. Lúc đó hệ tiêu hóa cảm tưởng như ngừng hoạt động vì không đói trong nhiều ngày. Không ai nghĩ là vì gan mình đã bị hành hạ thuốc tây bao nhiêu năm như thế nên kéo theo cả hệ tiêu hóa cũng tàn tạ.

Sau 18 năm dùng kháng sinh liều cao liên tục, gan mình bị suy yếu, hệ ruột yếu. Do bởi mình đã “xài quá lố” và khiến nội tạng hết hạn sử dụng mau quá.

Trước khi ăn thực dưỡng, mình không phải là cô bé thích ăn cơm.

Mình lại càng không phải là người khỏe mạnh.

Sức khỏe mình cứ thế cho tới khi mình rời quê vào Sài Gòn

p/s: Vì dài quá nên mình chia hai phần cho dễ đọc. Người bây giờ ít ai kiên nhẫn để đọc dài. Tất nhiên, trừ việc bạn bị bệnh, còn nếu bệnh chưa hỏi thăm, mình nghĩ họ đọc được 50 chữ đầu rồi lướt qua.

Tịnh Duyên

PHẦN 2: CÁCH HÓA GIẢI VIÊM HỌNG NHỜ THỰC DƯỠNG

 

 

 

Kinh nghiệm hóa giải ngay khi có dấu hiệu thoái hóa đốt sống cổ

(Thực ra mình chưa bị “bệnh” hẳn mà chỉ là có dấu hiệu thoái hóa đốt sống cổ, bác sĩ nói nếu không hóa giải kịp thì sẽ tích thành bệnh rất nhanh)

Mình tự nhận mình là một người trẻ, mới đi hết ½ cuộc đời chứ bao nhiêu?

Thế mà một sáng kia, mình thức dậy với cái cổ cứng đơ, không thể xoay sang bên phải hay bên trái. Lại càng không thể gập cổ xuống hay ngửa cổ lên. Muốn ngoái cổ nhìn thì phải xoay cả người. Con đường từ nhà đến chỗ làm chỉ có 5.5km, đạp xe giữa cánh đồng lúa xanh mơn mởn mà lòng đầy ưu phiền.

Những vọng tưởng liên miên trỗi lên khiến cả ngày mình không đọc được bản thảo sách. Vì là một người đang học Phật pháp, mình thật không muốn tâm tư cứ phiền não mãi về dấu hiệu của bệnh tật thế này. Nhiều năm ăn chay, có khi mình cũng chăm chỉ tập thể dục đều đặn. Đi bộ, đạp xe, thể duc thẩm mỹ hay yoga đều tập qua nhưng không kiên trì vì tính lười biếng, trễ nải bao kiếp chưa khắc phục được.
Mình biết nguyên nhân khiến mình bị “đơ cổ” là xuất phát từ việc ăn uống và hoạt động thể chất.

Mình tự cảm nhận rằng đối với bản thân mình thì “tu ăn là khó nhất”. Thời điểm ấy, hoàn cảnh sống của mình khá “sướng” dưới góc nhìn của bạn bè. Cơm chay ăn tại chỗ làm do người khác nấu, đầy đủ ngày ba bữa, đồ ăn vặt không lúc nào thiếu. Nhà chỉ là chỗ để về ngủ. Chính vì cái sự sung sướng ấy nên lại càng lười biếng. Dù biết cơ thể mình không thích ứng được đồ chiên, món xào nhiều dầu mỡ, hạt nêm, mì chính và nấu mặn. Nhưng mình vẫn cứ mặc kệ, nghĩ đơn giản là ăn để sống thôi. Trên bàn chay hàng ngày các món mặn đều hoặc kho, hoặc xào, hoặc chiên đầy dầu, canh thì luôn ngập mì chính. Song phải công nhận sức hấp dẫn của đồ ăn lớn lắm, và cái tính ham ăn, thèm ăn lúc ấy làm mờ tâm trí của mình. Đôi khi, không biết ăn gì thì mình tự làm một lọ muối vừng – lạc đem sẵn, cơm chỉ chọn rau luộc, hoặc tự vào bếp luộc 1 đĩa rau để ăn cùng muối vừng. Một thời gian vài tháng mình cứ ăn như vậy. Cơ thể suy nhược tới nỗi có lúc mình bị tụt huyết áp. Vì ăn phải thức ăn nhiễm mì chính, hạt nêm nên đầu óc luôn căng thẳng, mơ mơ hồ hồ, nhức mỏi. Có những sáng tinh mơ đi 1 mình ra chợ mà tự hỏi có khi nào mình ngã giữa đường không?

Mình thích hoạt động. Nhưng giữa cái thích với thực hành nó khác xa nhau nhiều lắm. Một ngày mình dính chặt bên máy tính từ 8-12 giờ đồng hồ. Mắt luôn luôn nhìn vào chữ, chữ và chữ. Đôi khi vì một dịp đặc biệt được đi ra ngoài viết bài thì hôm ấy coi như được quà. Da của mình luôn xanh, nhìn không thấy sự khỏe mạnh. Thân thể bị nóng trong. Do mắt làm việc quá nhiều, đến nỗi một thời gian mắt nổi những gân máu đỏ, lúc nào cũng muốn sụp mi xuống, người luôn nóng bừng bừng ở trong. Cảm giác mệt mỏi luôn thường trực.

Việc học Phật không thể kể trên giấy, càng không phải để đem ra bình luận, đánh giá, khoe khoang mà phải là sự trải nghiệm, thực hành ở trong cuộc sống của bản thân. Lúc đọc những lời pháp vàng ngọc, mình thấy “hay lắm, thấm lắm” nếu có khuyên ai cũng “nói tự tin” lắm. Thế nhưng tới “bài thi” của bản thân, mình mới thấy mình dở. Tâm vọng tưởng không ngừng, y như con vượn chuyền cành vậy.
Mình đánh mất vài ngày vọng tưởng như vậy rồi mới quyết định đi khám bác sĩ xem sao. Dù bệnh viện không phải là nơi mình thích đến nhưng mỗi năm mình vẫn đi khám tổng quát một lần. Lần này chỉ khám phần cổ. Kết luận thật bi đát, mình có dấu hiệu thoái hoái đốt sống cổ từ số 4-số 6.

Bác sĩ mình quen qua một người chị tốt trên FB nói rằng mình không cần uống thuốc, chỉ cần tập động tác vẫy tay ngày 1000 cái, một tuần là hết. Rồi bác kê toa cho mình bài thuốc bổ, nói mình về tự cắt uống để phục hồi cơ thể, điều hòa thân nhiệt.

Dấu hiệu thoái hóa đốt sống cổ là cú sốc đầu tiên dẫn mình từ ăn chay thường chuyển sang ăn chay theo phương pháp thực dưỡng.

Việc đầu tiên từ bệnh viện trở về nhà là mình lên mạng kiếm bài tập vẫy tay và bài tập động công& tĩnh công của thầy Đỗ Đức Ngọc trên youtube.

Mình tập theo một số động tác trong video này. Sau đó mình không đi xe máy nữa, quyết định đạp xe đạp đi làm hoàn toàn. Lúc trước mình đi xe máy, xe đạp xen kẽ cho quãng đường hai chiều 11km từ cơ quan về nhà.

Việc ăn là khó nhất, vì tính tham nó mạnh lắm, hehehe. Mình mua gạo lứt và đồ dưỡng sinh về nhà tự nấu. Mình tìm hiểu về phương pháp thực dưỡng từ năm 2009, nhưng từ 2009 đến thời điểm đó, mình ăn đứt đoạn, như người ăn chay đụng (đụng đâu ăn đó) vậy.

Khi bị bệnh, mình mới ăn trở lại, kiếm sách đọc. Lúc đó mình đọc kiến thức từbepthucduong.com là chính vì công việc luôn online trên mạng.

Mỗi ngày đi làm, mình mang thố cơm nhỏ cùng đồ ăn vặt (chủ yếu là khoai lang hấp hay vài cái bánh áp chảo). Mọi người không biết thì bảo mình “Nó đang tiết kiệm phước”. Thực ra là vì bệnh nên mới chăm ngoan thôi.

Nhưng đối với bản thân mình, cái ăn cái uống thật là có sức hấp dẫn. Vốn là người thích nấu nướng, thấy đồ ngon bày đầy trên bàn, thế nào cũng muốn học theo, nếm thử để xem họ làm từ cái gì… Nhất là cái món lẩu chay có chân nấm nêm tẩm gia vị ăn béo và dai dai, rất ngon. Gặp món lẩu này, mình vẫn nhào vào ăn khí thế. Chính vì thế, lúc đó mình chưa ăn chay thực dưỡng chặt chẽ. Bún, hủ tiếu, bánh canh vốn là món ưa thích của mình. Rất khó cưỡng lại khi có người rủ rê đi ăn những món nước này. Chỉ cần bị hai cái tác động là tặc lưỡi đi liền. Ăn về thế nào cũng có lần xỉn vì hạt nêm. Nhưng chưa “sợ” đâu. Cứ lâu lâu lại đi giải quyết cơn thèm ăn, ăn về lại vật vỡ. Vậy mà khi ấy chưa chừa.

Và mình bắt đầu trở lại sở thích uống trà từ ngày sống “không gia đình”. Mình tự chế trà cho mình, làm thành món trà bổ não và bổ mắt để cứu đôi mắt mệt mỏi của bản thân. Nhân lúc đó một người bạn đồng tu tặng chai dầu mè nhà tự làm, mình dùng thêm dầu mè tra mắt hàng ngày. Kiên trì một tháng, đôi mắt và cái đầu đã trở lại trạng thái cân bằng.

Còn làm sao để hết triêu chứng “cứng cổ”, đau nhức cổ chỉ trong một tuần? Mình vừa tập vẫy tay vừa tập yoga. Yoga tự tập một tiếng vào buổi sáng theo ông thầy Kamal trên youtube với 13 bài tập cơ bản đơn giản. Tập vẫy tay và yoga hai ngày thì cổ hết đơ.

Cảm giác cổ hết đơ nó sung sướng lắm, heheeh. Bạn nào đã trải qua thì sẽ thấm cảm giác này.

Sau đó, mình còn tìm hiểu về diện chẩn của thầy Lý Phước Lộc. Tuy nhiên cái này tự học, nên mỗi ngày xem video học một chút. Mình thử nghiệm với bản thân mình và vài người bạn mình. Mình thích cái này vô cùng, còn thích tìm hiểu cây thuốc nam nữa bên cạnh tìm hiểu về thực phẩm.

Sau khi cái cổ linh hoạt lại, đầu – mắt điều hòa, tuy vẫn bị thân nhiệt, nhưng khi ấy mình tự nhận ra rằng “bài thi” này mình đã rớt. Nhưng bù vào đó mình được bài học. Mình cảm thấy phải biết yêu thương cơ thể mình hơn, biết trân trọng sự sống mà cha mẹ và cuộc đời đã ban cho mình. Tự nhận ra cái điều đơn giản mà bấy lâu nay tâm trí mình bị mù, rằng “đừng trao số phận và sức khỏe của mình vào tay người khác”.

Trong khi mình vốn hay nói mình biết cơ thể mình nó thế nào, ăn kiểu gì thì thích hợp nhưng mình lại chẳng quan tâm nó, yêu thương nó một cách có trí tuệ.
Mình mới ăn chay theo phương pháp thực dưỡng được khoảng 1 năm thôi. Cảm nhận đầu tiên là làm việc được nhiều hơn thời gian trước, khả năng tập trung tốt, nhất là lại không béo bụng (cười sung sướng một cái), tế bào khỏe hơn (nên ăn cái gì không hạp là nó phản ứng cho mình biết mà thải độc liền). Vấn đề tu tập, tự bản thân mỗi người cảm nhận. Nhưng chắc chắn là khi bước chân vào con đường ăn chay thực dưỡng, mình đã gặp nhiều bồ tát lắm. Tâm luôn tràn đầy niệm cảm ân. (Bồ tát là cách gọi cung kính khi mình nhớ về những người mình đã gặp, đang gặp và sắp gặp)

Nếu ăn thực dưỡng mà kết hợp tập yoga, tọa thiền hay lễ Phật “năm vóc thiết tha” thì không những thân khỏe mạnh mà tâm cũng an. Trí tuệ vì thế ngày càng mở ra… Mở đến đâu thì tùy thiện căn, phước đức, nhân duyên của mỗi người.

Đây là sự trải nghiệm thực tế từ bản thân mình, nếu ai có dấu hiệu thoái hóa đốt sống cổ như mình, thì tùy duyên tham khảo cách của mình nhé! Chúng ta sẽ khỏe mạnh đến khi “trở về nhà” nếu chúng ta biết yêu thương cơ thể chúng ta bằng trí tuệ.

Mình còn trẻ lắm, mới đi nửa cuộc đời thôi!
Tịnh Duyên

 

NHỮNG LƯU Ý CẦN BIẾT KHI SƠ CHẾ GẠO XAY DỐI

Sau khi xay xát gạo về thì công việc tiếp theo là dần sàng để loại thóc còn sót
Sau khi xay xát gạo về thì công việc tiếp theo là dần sàng để loại thóc còn sót

Gạo xay dối là loại gạo sau khi tách và thổi sạch trấu thì được đưa vào máy để cà nhẹ một lớp cám bên ngoài.

Nhìn bề ngoài, gạo xay dối nhà mình có màu trắng đục, trắng hơn so với gạo lứt và đục hơn so với gạo xát trắng (nên gọi là trắng đục).

Khác với gạo lứt còn nguyên vỏ cám, gạo xay dối nhà mình có tỉ lệ vỏ cám còn khoảng 70%. Cơm gạo xay dối mềm là nhờ đã cà bớt một lớp cám, cơm ngọt là do còn được lưu giữ được 2/3 lượng cám trong gạo. Bởi đặc tính này nên ai đã ăn được gạo xay dối, ăn quen miệng thì sẽ rất khó ăn cơm gạo trắng vì “ghiền” với độ ngọt của gạo xay dối.

Gạo lứt và gạo trắng dễ xay xát bao nhiêu thì gạo xay dối là “cô nàng khó chiều”, cực kì khó xát cho đúng ý. Nếu không có chút kĩ thuật trong xay xát thì không thể ra được gạo xay dối chuẩn, thường thì sự cố sẽ  biến gạo xay dối thành gạo trắng.

Với gạo xay dối, vì vỏ cám đã vỡ nên cám rất dễ hao hụt trong quá trình sơ chế. Chị em chúng mình cần một chút mẹo nhỏ lưu ý lúc sơ chế gạo xay dối để có được nồi cơm ngon và giữ lại dinh dưỡng trong gạo:

-DÙNG NỒI/THỐ ĐỂ VO GẠO, tuyệt nhiên không được dùng rá hoặc rổ mắt dày để vo gạo xay dối.

-CHỈ RỬA GẠO bằng cách đổ nước nhẹ nhàng, từ từ xem có mày trấu nào còn sót lại nổi lên mặt nước thì chắt đi. Nếu muốn tiếp xúc bằng tay, phải thật nhẹ nhàng với từng hạt gạo. Thông thường, đối với nhà mình, khi anh chị đặt gạo, mình mới đi xay xát dần sàng. Gạo sạch và không có bất kì chất bảo quản nào sau khâu chế biến, nên tốt nhất là chỉ cần RỬA GẠO bằng cách lắc nhẹ xem còn có mày trấu nào thì loại đi.

-GIỮ LẠI NƯỚC VO GẠO: Nước vo gạo từ gạo xay dối có màu trắng sữa, trắng đục, vitamin các thể loại ở trong nước vo rất nhiều. Nhớ lời mẹ dặn từ xưa, nhà mình hay chắt nước vo gạo để dành vào cái tô, đem rửa mặt. Ngoài ra, nước vo gạo này có thể dùng để: tưới cây, rửa bát, ngâm rau. Ở nhà mình, từ lúc còn nhỏ tới giờ, ông bà bố mẹ thường dặn dùng nước vo gạo để ngâm rau. Sau đó mới đem tưới cây hoặc để nấu cùng nồi cám cho lợn gà.

Các bạn để ý một chút, từ ngày tưới nước vo gạo, cây sẽ tốt tươi hơn rất nhiều đấy. Đây cũng là thực chứng để thấy dinh dưỡng từ vỏ cám tốt biết nhường nào.

-NGÂM GẠO: thực ra thì nhà mình xưa giờ không ngâm gạo xay dối trước khi nấu. Nhưng khách hàng của Giang chia sẻ là gạo ngâm 1-2 giờ thì nấu sẽ ngon hơn. Mọi người tùy sở thích về độ dẻo và mềm của cơm để có thể uyển chuyển trong cách ngâm và nấu nhé!

-ĐONG MỰC NƯỚC: Gạo nhà mình không dẻo quẹo, cũng không khô nên tạm gọi là dẻo vừa. Thông thường với nồi cơm điện của nhà Giang, mực nước tính từ mặt gạo lên là 1-1.2 đốt lóng tay. Nhưng đặc tính mỗi loại nồi khác nhau nên anh chị các bạn cứ lấy mực nước căn bản này để điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với sở thích. Nấu 1-2 lần là anh chị sẽ biết cách điều chỉnh mực nước để ra nồi cơm ngon như ý.

Trên đây là những lưu ý đặc biệt với gạo xay dối. Chúc anh chị các bạn nấu được nồi cơm gạo xay dối thơm ngọt

CHIA SẺ CÁCH NGHIỀN MUỐI MÈ QUÂN BÌNH ÂM DƯƠNG TRONG THỰC DƯỠNG

Các bước để nghiền muối mè quân bình âm dương
Các bước để nghiền muối mè quân bình âm dương

Một chiều nọ, mình cố gắng đi công chuyện về sớm vì có một vị khách đặc biệt đang chờ ở nhà. Mình vốn dĩ rất ít giao thiệp, nên khách tới nhà thường là người rất đặc biệt, không đặc biệt kiểu này thì cũng đặc biệt kiểu kia.

Xe cub chạy về trước cửa nhà, thấy một bà chị nhỏ nhắn mặc đồ nâu ngồi ở trong nhà cạnh cái bàn tre, nhìn nhau cái là cười toe toét cứ như đã gặp nhau từ lâu lắm rồi.

Sau câu chuyện chào hỏi, lại kể thêm chuyện này chuyện kia rổn rảng cả góc nhà, từ chuyện ăn thực dưỡng tới chuyện hạt giống, mảnh vườn…. chị đưa cho mình hũ muối mè và mình đưa lại chị hũ natto  “trao đổi hàng hóa”. Xong mình đề nghị chị vào bếp bày mình cách rang mè. Hỉ hả một hồi thế là mình cũng nắm được cách rang mè cơ bản (mà mình đã từng chia sẻ với mọi người).

Thế rồi mình thực hành rang mè sau đó rất nhiều lần. Rang giúp bạn. Rang tặng bạn. Lại còn hay kiếm cách làm giúp người khác việc rang mè. Thực ra là để “luyện công” (chứ tâm địa cũng không mấy tốt lắm, hihi). Vì học rồi thì phải thực hành. Mà càng thực hành, càng thấy thích. Ai nhờ rang mè cũng nhận lời ngay.

Khi biết rang mè rồi, mình vẫn chưa làm được muối mè ngon đâu. Muối mè vẫn còn thua xa muối chị “áo nâu” nghiền.

Cho đến khi mình gặp cô Đan Tâm Nguyễn, cô là một người bạn lớn tuổi cực kỳ dễ thương. Cô không chỉ nấu ăn ngon mà lại hay chia sẻ, chia sẻ rất nhiệt tình. Cô đã chỉ mình cách nghiền mè cơ bản mà cô học được từ bà Yuri. Thế là mình về tập thực hành, từ tháng 8 tới giờ, cặm cụi thực hành.

Hôm nay, khi mình cảm thấy cơ bản mình đã làm chủ được việc nghiền muối mè để ăn cùng cơm lứt, mình viết lại chi tiết như một lời cảm ân tới những người bạn – những người thầy thực dưỡng, hoặc âm thầm hoặc lộ diện đã giúp mình rất nhiều trong thời gian qua.

Những sai lầm trong bước đầu ăn thực dưỡng mà mình gặp phải từ 2009 tới 2013, và từ khi mình chập chững chính thức chuyển sang ăn chay thực dưỡng, mình chỉ mong những người đi sau không ai mắc phải như mình, ai cũng “ghiền cơm lứt muối mè” ngay từ lần đầu thưởng thức. Ai cũng tự nấu được nồi cơm lứt mềm dẻo thơm ngon. Ai cũng tự nghiền được hũ mè đúng quân bình âm dương, làm sao đến cả người thân chưa biết ăn thực dưỡng mà chỉ “ăn muối thôi cũng nghiền rồi”.

Cô Đan Tâm nói người ăn thực dưỡng học được nấu cơm lứt – nghiền mè – nấu trà bancha chuẩn là tốt nghiệp lớp căn bản rồi. Mình thì nghĩ học cái gì cũng phải đi từ căn bản mà lên.

rang u me_OK

RỬA MÈ

  • Rửa mè: mè trước khi rang dù được gọi là mè sạch thì cũng nên rửa qua, vừa lọc sạn, vừa giúp hạt mè tiếp nước, khi rang gặp lửa, hạt mè nở căng tròn trịa.
  • Khi rang mè, chỉ lấy một lượng vừa đủ với diện tích mặt chảo. Làm sao tất cả hạt mè được tiếp xúc đều với mặt chảo, mè chín từ nhiệt độ trực tiếp của mặt chảo chứ không phải chín thông qua sức nóng của hạt mè khác.
  • Ban đầu rang mè, lửa bật lớn. Sau khi hạt mè vừa khô, hạ lửa, đảo đều tay và đảo rất nhẹ nhàng. (Sau nhiều ngày rang mè, mình mới rút ra cách đặt trọng lượng của bàn tay lên những chiếc đũa. Chỉ cần đảo nhẹ nhàng, từ tốn, hạt mè sẽ không “nhảy múa” quá đà mà bay ra bên ngoài bếp, đồng thời việc rang mè cũng không tạo tiếng ồn cho nhà bếp. Hơn nữa, làm việc thong thả, bạn thấy việc đảo mè rất nhẹ nhàng, thích thú. Mình vừa đảo mè, vừa lấy tiếng nhịp mà niệm Phật khoan thai)
  • Nhận biết hạt mè đã chín: Mình có hai cách để nhận diện hạt mè đã chín. Bạn nào biết thêm thì chỉ mình với nha!

+ Cách thứ nhất: Bốc vài hạt mè, cà nhẹ lớp vỏ, thấy nhân mè bắt đầu ngả vàng nhẹ, rất nhẹ, là mình tắt bếp, tiếp tục lợi dụng khả năng giữ nhiệt của chảo gang, đảo mè thêm vài phút nữa

+ Cách thứ hai: Lấy 1 nhúm mè, dùng ngón trỏ và ngón cái bóp nhẹ, mè chín là vỡ vụn giòn tan.

  • Mè rang đã chí thì, trút vào khăn ủ, hoặc dùng giấy ủ.
  • Rang muối: Sau khi trút mè ra khăn ủ, mình sẽ rang muối. Có người dùng muối hầm, có người dùng muối biển hạt to. Mình đã từng thử ăn muối hầm nhưng cơ thể không hợp, da sạm và ngủ ít, sau này mình ăn muối biển thì thấy mọi thứ ổn hơn. Các bạn có thể chọn loại muối miễn sao cơ thể bạn thấy hợp là được.

NGHIỀN MÈ.

Sau khi rang muối xong, mình bắt đầu nghiền mè. Vài lần đầu mình tham lam, một mẻ mè cho luôn vào cối nghiền. Do đó, muối mè không được đều, mịn.

NGHIEN MUOI ME_OK

Sau này “vỡ ngu”, mới biết cách làm thong thả hơn.

Mình đong với cái thìa nhà mình – mà mình chụp hình, 100gr mè được khoảng 20 thìa mè, mình sẽ làm với tỉ lệ muối 1.5 – 20. (tức là: 1.5 thìa muối – 20 thìa mè). Tùy thể trạng cơ thể và mục đích chữa bệnh mà tỉ lệ muối – mè sẽ thay đổi. Người nấu ăn quan trọng nhất là phải biết người sắp ăn món mình nấu bệnh trạng thế nào, sở thích ra sao, thời tiết hôm đó thế nào…để món ăn nấu lên không đơn thuần là món ăn, mà nó còn là thuốc, là thực phẩm chức năng “không tác dụng phụ”. Việc nghiền mè – mình cũng nghĩ thế nên mình luôn chú ý cách nghiền mè phù hợp với từng nhóm người trong nhà.

Với cơ thể mình và anh chị mình, mình chọn tỉ lệ 1.5-20, với bà đã cao tuổi, có tiền sử bệnh huyết áp cao thì mình giảm còn 1-20, trẻ em còn nhạt hơn.  (Muối biển thô nhà mình dùng khá nhạt, không mặn ghê gớm nên tỉ lệ cho người già 1-20 khá ổn. Các bạn phải xem đặc điểm muối nhà bạn thường dùng để có tỉ lệ hài hòa nhé)

  • Mình sẽ chia 1.5 thìa muối ra 10 phần, mỗi lần nghiền chỉ lấy 1 phần muối – 2 thìa mè. Lần đầu mình nghiền 100gr mè chia làm 6 lần, nhưng với cái cối đất nhà mình, 3 thìa mè vẫn là nhiều quá, mè chưa tiếp xúc đều với muối và thành cối. Sau này mình chia là 10 lần nghiền, mọi thứ rất như ý.
  • Các bước nghiền mè quân bình âm dương: Nghiền muối mịn trước– sau mới cho mè vào nghiền, chừng nào mè mịn màng là được. Lúc nghiền mè, chú ý lực bàn tay cầm chày để nghiền. Mình thường thả lỏng bàn tay, phần cánh tay, nghiền theo vòng tròn, thong thong thả thả. Làm càng nhịp nhàng thì mè càng mịn.

Cách nghiền muối trước – mè sau khiến muối và mè quyện với nhau cực đều. Bạn có thể nhúm tí muối mè cho vào đầu lưỡi và từ từ cảm nhận vị mặn nhẹ và vị béo thanh của mè sau một vài giây.

Làm lần lượt như thế cho tới khi hết mè.

Muối mè nghiền xong, để trong hũ thủy tinh, mở nắp vài tiếng cho mè nguội hẳn.

Muối mè làm trong 3 ngày ăn là tuyệt nhất. Nhưng nếu không có thời gian thì ăn trong 1 tuần cũng vẫn được.

Đối với lạc sẻ/đậu phộng sẻ, cũng nghiền y chang vậy. Luôn nghiền muối trước – đậu sau.

muoi me tinh duyen ok

Lưu ý 1: Nhớ nấu nhiều cơm, kẻo sẽ có người hậm hực vì hết cơm một cách bất thường

Lưu ý 2: Chớ thấy muối ngon ăn nhiều, sẽ bị bỏng cả miệng vì mặn. Lần đầu mình làm một hũ muối mè – đậu phộng đạt đúng vị, mình đã ham ăn, ăn nhiều quá, tới hôm sau miệng bị phỏng, phải ăn sắn dây hai ngày mới hết.

À, cách nghiền mè này thì không gây tiếng động lớn, không ồn ào. Nhà ai ở chung cư vẫn có thể làm thoải mái. Bạn cũng có thể đặt cối lên trên bàn kính, ngồi trên ghế thủng thẳng mà làm, không ngại vỡ kính đâu nhé! (nhưng cũng tùy vào sức mạnh bàn tay của mỗi người nữa nhen)

Chúc các bạn nghiền được hũ muối thật ngon! Làm tới lần thứ 20 thì chắc chắn là bạn sẽ tự tại mà nở nụ cười thỏa mãn đấy.

Ai chưa làm được, cứ inbox hỏi mình nhé!

Còn ai nữa không có thời gian làm, thì cứ nhờ vả, nhỉ? Nhưng mình rất thích mọi người tự làm lấy hũ muối mè, muối đậu ngon cho cả gia đình thay vì đi mua. Bao nhiêu yêu thương sẽ đượm theo từng hạt mè đấy, hihihi!

Tịnh Duyên

CÁCH LÀM CHANH MUỐI, CHANH NGÂM MẬT VỚI CHANH ĐÀO MỎNG VỎ

Chanh đào khá mỏng vỏ, nên khâu sơ chế sẽ khác chanh ta một chút. Đây là kinh nghiệm mà Tịnh Duyên học từ sư cô trong chùa chỉ. Năm ngoái mình muối 1 mẻ chanh, năm nay chanh đã bắt đầu tiết ra mật, nhìn rất mê.

Minh chia sẻ cách muối chanh, ngâm chanh với mật ong tới các bạn hữu duyên.

Chanh đào vỏ rất mỏng
Chanh đào vỏ rất mỏng

Nếu ít chanh thì tỉ lệ muối – chanh 0.6-1, còn nhiều chanh thì tỉ lệ chanh – muối: 1-0,4

SƠ CHẾ:

Chanh rửa sạch, dùng tăm nạy cuống chanh

Phơi héo 1 ngày

Sau đó nấu nước muối loãng, khi nước còn âm ấm, trụng chanh qua  1 lần, để thật khô, có thể dùng giấy thấm cho khô

Dùng tăm tre đâm xung quanh quả chanh – mục đích làm cho muối mau thấm, nước chanh mau ra. Có thể bỏ qua khâu này, chanh chỉ chậm tiết nước một chút thôi.

Lọ rửa sạch, tráng nước sôi, hong thật khô. Vệ sinh chanh và lọ càng khô ráo, kĩ lưỡng thì nước chanh càng trong và không lọ sợ hỏng, mốc hay nổi váng

CÁCH NGÂM/MUỐI CHANH

Cứ xếp 1 lớp chanh, rải nhẹ 1 ít  muối

Muối trên cùng phải phủ 1 lớp dày để kín quả chanh

Sau cùng, dùng 1 vật nặng ép nhẹ bên trên để chanh mau ra nước

Để chỗ nắng, chừng 3 ngày chanh ra nhiều nước thì xóc nhẹ  cho đều chanh với muối

Thời gian đầu cứ vài ngày xóc nhẹ chanh, sau này chanh tiết ra nước nhiều thì không cần

Ngâm mật ong cũng tương tự vậy, tránh dùng dao cắt lát càng tốt. Riêng ngâm mật ong, nên dùng lọ to hơn khối lượng mật ong với chanh để hỗn hợp có khoảng không để “thở”. Thời gian đầu hũ chanh mật có bọt nổi, cũng không sao hết. Một thời gian sau nó sẽ tự hết. Khi ngâm chanh với mật, nên thêm vài hạt muối biển thô.

Tịnh Duyên chia sẻ